Chợ Đình Nam Lạng chợ phiên cầu may ở Nam Định

Nằm dọc theo hạ lưu sông Ninh, xã Trực Tuấn (Trực Ninh) là vùng đất cổ. Nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa và các tập tục dân gian mang đậm nét đặc trưng của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ; trong đó có phiên chợ cầu may có tên gọi là CHỢ ĐÌNH được người dân làng Nam Lạng tổ chức vào ngày mồng 2 Tết Nguyên đán hằng năm để cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Không biết CHỢ ĐÌNH NAM LẠNG chợ cầu may có tự bao giờ. Chỉ nghe các cụ thời xưa truyền lại, chợ cầu may đã có từ nhiều đời trước, xuất phát từ tục thờ thần Hoàng Quý Triều Đại Vương là em trai của Tản Viên Sơn Thần. Theo truyền thuyết, có lần Thần đi kinh lý qua cửa Thần Phù, thấy người dân tổng Văn Lãng thường chịu cảnh lũ lụt, mùa màng thất bát bèn dạy cho cách trị thủy. Sau đó dân làng lập đền thờ và cứ đến mồng 2 Tết hằng năm lại tổ chức rước Thần từ đền Nam Lạng ra đình làng để mở hội chợ đầu năm ở ngay khu đất trống trước đình để Thần ban cho may mắn. Phiên chợ cầu may xưa được tổ chức từ lúc canh ba. Từ các ngả đường trong làng người dân gọi nhau í ới, nói cười rôm rả, lục tục chuẩn bị hàng hóa, quần áo chỉnh tề, đèn đuốc rực trời cùng nhau tổ chức rước Thần từ đền ra đình làng. Đúng canh năm, sau khi thực hiện các nghi lễ kính cáo với Thần, phiên chợ khai xuân được mở. Người mua, người bán trong phiên chợ cầu may đa phần là người trong thôn nên mọi hoạt động mua bán diễn ra hết sức cởi mở, thân tình. Vừa trao đổi hàng hóa, mọi người vừa trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhân dịp năm mới và kể cho nhau nghe những đổi thay của việc nhà, việc cửa, việc xóm, việc làng trong một năm qua. Hàng hóa trong phiên chợ cầu may xưa mang đậm đặc tính “tự cấp, tự túc” của cư dân nông nghiệp, từ những sản phẩm tinh thần như pháo, tranh, tò he, đồ gốm sứ cho đến những sản phẩm nông sản như rau, cá, thịt, hoa quả… Đặc biệt có hai sản phẩm mang nét đặc trưng không thể thiếu trong phiên chợ cầu may mà ai đến chợ cũng phải mua cho kỳ được là muối và bánh rang (bánh khoai). Bởi theo quan niệm dân gian: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Muối vừa mang biểu trưng cho sự mặn mà, ấm áp của tình người, vừa là để xua đuổi tà ma, đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Còn bánh rang là đặc sản của tổng Văn Lãng chỉ được làm trong dịp Tết để làm vật phẩm cúng ông bà, tổ tiên. Cùng với hoạt động mua bán, trong phiên chợ cầu may còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: đánh tổ tôm tài bàn, quay đất, đánh meo, chơi đu, leo cầu ngô, chọi gà, bắt vịt… Chợ họp từ gà gáy đến tận tối sẫm mới tan, ai về nhà nấy đem theo những sản vật mua được và niềm tin về sự may mắn trong một năm mới.

Theo dòng chảy của thời gian, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, ngày nay, phiên chợ cầu may làng Nam Lạng lại trở nên đông vui, tấp nập hơn. Quy mô chợ được mở rộng trên phạm vi toàn xã. Người đến chợ không chỉ là dân trong làng, trong xã Trực Tuấn mà còn có hàng nghìn người dân các xã lân cận và khách thập phương đến xem chợ, chơi chợ và cầu mong những điều may mắn cho cả năm. Hàng hóa trong chợ cũng đa dạng hơn; ngoài các sản phẩm truyền thống của địa phương còn có đa dạng các mặt hàng của nhiều địa phương trong tỉnh. Từ tối mồng 1 Tết, người trồng cây cảnh ở Điền Xá (Nam Trực), người ươm cây giống ở Nghĩa Hưng, người kinh doanh hàng mộc thủ công mỹ nghệ Hải Minh (Hải Hậu)… đã tấp nập chuyên chở hàng đến chợ. Nửa đêm về sáng, các hộ bán thực phẩm ngả trâu, bò ra thịt; chăng treo lều bạt chờ khách đến mở hàng. Từ tờ mờ sáng, từ các ngả đường trong xã, người dân í ới gọi nhau đến đền, chùa để lễ Thần, Phật rồi mới vào chợ. Thời điểm chợ đông nhất từ 9 đến 10 giờ sáng khi khách thập phương đã về đến chợ. Tất cả cùng hòa nhập vào không gian thiêng cười nói vui vẻ, trao đổi bán, mua hàng để cầu may mắn cho cả năm. Đồng chí Vũ Văn Tuyến, Trưởng ban VHTT xã Trực Tuấn khẳng định: Chợ cầu may làng Nam Lạng là tập tục, nét đẹp văn hóa độc đáo ngày Xuân của địa phương. Để bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, Đảng ủy, UBND xã đã quy hoạch quỹ đất trên địa bàn thôn để mở rộng, nâng cấp khuôn viên chợ; đồng thời đứng ra tổ chức chợ cầu may vào mồng 2 Tết hằng năm để giữ gìn những giá trị truyền thống của cha ông để lại. Cùng với những hoạt động văn hóa mới như xổ số vui xuân; biểu diễn văn nghệ, thi đánh cờ tướng, xã Trực Tuấn đang khuyến khích người dân Nam Lạng khôi phục lại một số trò chơi dân gian trước đây để làm phong phú, sinh động thêm hoạt động của chợ cầu may.

Có một 'chợ tình' ở Nam Lạng

Và cứ vào mùng 2 Tết, hàng trăm cặp đôi và những bạn trẻ độc thân từ nhiều nơi lại về dự chợ Đình ở xã Trực Tuấn (huyện Trực Ninh, Nam Định) lại họp đông đúc để cầu mong hạnh phúc hoặc tìm được nửa còn lại.

Không khèn, sáo, không những câu hát đẩy đưa tình tứ, nhưng mỗi cái Tết đến, chợ Đình lại trở nên đông đúc và nổi tiếng hơn dù nằm cách xa trung tâm huyện, cách TP Nam Định hơn 30 km.

Ngày thường, chợ chỉ là cái sân sinh hoạt chung của người dân trong vùng. Từ mờ sáng mùng 2 Tết, bất kể mưa nắng giá lạnh, hàng trăm bạn trẻ đã bắt đầu đổ về.

“Xưa đây là một cái đình, nhưng nay không còn nữa. Cứ mùng 2 Tết, mấy cụ trong làng lại tụ tập ở đình để đánh tổ tôm. Các cụ bà ra bán táo, hoa quả, rồi hình thành nên chợ Đình. Nhiều đôi nam nữ từ chợ này mà nên vợ nên chồng nên người ta gọi là chợ tình xe duyên”.

Hoàng Lan Anh, ở thị trấn Cổ Lễ (cách xã Trực Tuấn 12 km), cho biết: “26 tuổi rồi nên mình cũng lo lắm! Nghe nhiều người kể đến chợ Đình để giao lưu hoặc mua một món đồ, sẽ giúp đường tình duyên gặp may mắn, nên mình cùng đứa bạn đến đây”.

Lan Anh đến chợ từ rất sớm, tìm mua bùa tình duyên với niềm tin trong năm Canh Dần này sẽ không còn độc thân. Ngoài bùa tình duyên, các bạn trẻ còn mua muối, mua hoa, cây cảnh... với mong muốn đường tình duyên sẽ gặp nhiều may mắn.

Chợ Đình họp từ sáng sớm đến chiều tối, nhưng đông nhất vào khoảng 9 -11 giờ. Nhiều bạn trẻ ở TP Nam Định, các tỉnh bạn Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội... cũng có mặt.

Nhiều đôi vợ chồng mới cưới và cả những người đã chung sống với nhau hàng chục năm cũng tìm đến chợ để cầu mong tình cảm vợ chồng thêm mặn nồng.

Cô Phạm Thị Thoa, bán muối ở chợ, cho biết: “Những cô cậu có hay chưa có gia đình đều thích mua muối của tôi. Có cậu năm ngoái còn đi mua muối lấy may, năm nay dẫn theo vợ đến mua muối. Họ bảo: mua muối của cô may lắm!”.

Chợ cầu may làng Nam Lạng là dấu ấn văn hóa mang đậm bản sắc sinh hoạt, tập tục, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Nơi đây thực sự trở thành một điểm hẹn văn hóa của người dân trong xã và khách thập phương mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.

Tổng hợp 

Đăng nhận xét