Núi Sam và thông điệp của tiền nhân!

Nếu núi Bà Đen được xem là ngọn núi linh thiêng miền Đông Nam Bộ, thì núi Sam là ngọn núi linh thiêng vùng Tây Nam Bộ.

Núi đột khởi giữa đồng bằng ngập trũng, cao khoảng 240m, tên chữ là Học lĩnh sơn. Núi có thế phong thủy khá đặt biệt, phía tây dựa vào dãy Bokor (Tà Lơn), phía tả (trái) có thế rồng cuộn, là nơi 2 nhánh Mekong đổ vào Việt Nam. Và phía hữu (phải) có dãy Thất sơn che chắn (thế hổ ngồi). Phía đông bắc là cửa 9 nhánh sông Cửu long đổ về biển cả, xa xa phía đông nam còn có núi Sập (Thoại sơn) làm thế bình phong (tiền án).

Từ đỉnh ngọn núi nầy, hơn ngàn năm trước có cư dân cổ đại tại vùng lục địa Mekong (vương quốc cổ Phù Nam) tạc một tượng Thần thờ trên núi. Đến thế kỷ thứ 7, Vương quốc Phù Nam suy tàn, người Khmer đến sau nhưng do họ ít sinh sống ở đây nên để hoang vu. Cuối thế kỷ 17, người Việt theo phong trào di dân của Chúa Nguyễn đến đây khai khẩn lập làng, họ phát hiện tượng Thần trên núi, nên xin với quan tổng trấn Nguyễn Văn Thoại cho mang thần tượng xuống thờ. Họ dùng nghi thức hầu đồng cầu khẩn và tin rằng thần ứng nghiệm, xưng hiệu là Chúa Xứ. Vì vậy, dân chúng lập miếu tôn thờ xem là vị Thánh Mẫu sau được sắc phong là Chúa Xứ Thánh Mẫu. 

Núi sam vì vậy là nơi Mẫu hiển linh, kỳ thật, tục thờ Mẫu là của người Việt. Nhưng người Việt đã tiếp biến văn hóa thờ Thần linh của người cổ đại thành tính ngưỡng của mình. Quả thật, núi Sam cũng như Tượng thần (Chúa xứ Thánh Mẫu) có một giá trị tâm linh rất cao vì đã đi vào niềm tin bản địa của vùng đất này qua ngàn năm rồi.

Vào giữa thế kỷ 19, có đạo sĩ Đoàn Minh Huyên, gốc là nông dân nhưng ông tu hành theo giáo lý nhà Phật và tinh thông huyền thuật. Ông vào thất sơn tu luyện, và chính ông cũng nhận ra vùng này là linh địa nên dạy các đệ từ biết lập Chùa miếu thờ thần thánh. Ông dạy người biết học Phật, tu thân, và bản thân ông hành thiện giúp đời, bốc thuốc chữa bệnh. Các đệ tử ông là những người doanh điền khai khẩn ruộng đất, di dân lập ấp, hành hiệp trượng nghĩa.

Dân tôn sùng ông là vị Hoạt Phật nên gọi là Phật Thầy, sau ông bị quan Tổng trấn buộc về sống cùng các nhà sư tu Phật tại Chùa Tây An nên dân gian gọi ông là Phật Thầy Tây An.

Phật Thầy luôn dạy đệ tử hành thiện giúp đời, câu chuyện về các đệ tử ông được lưu truyền đến ngày nay như ông Tăng Chủ, ông Đình Tây giết cọp, bắt sấu dữ giúp dân... trong đó có cả những người là anh hùng kháng Pháp như đức Quản Cơ Trần Văn Thành.

Phật Thầy là nhân vật vừa lịch sử, vừa huyền thoại, nhưng ông chính là bậc đại diện cho tinh thần người đạo sĩ Nam bộ lý trí. Do đại đa số dân nam bộ lúc bấy giờ ít học, nên ông dùng tín ngưỡng chân chính (không giảng giáo lý cao siêu), mà ông dạy dân biết làm lành, tu Phật và chính ông được dân xem là hiện thân Phật. Ngày Phật Thầy mất, ông dặn dò các đệ tử: "Thân người là cát bụi, hãy để cát bụi trở về các bụi, tinh thần thầy đã có chỗ về. Hãy để đất cho dân trồng trọt, không xây mồ xây tháp mà phí đất của dân"... Chính vì vây, mộ Phật thầy ngày nay còn giản dị nằm bên sườn núi Sam sau Chùa Tây An. Thầy Đoàn Minh Huyên (1807 - 1856) thật ra chỉ là người tại gia cư sĩ, nhưng ông hành đạo và giúp đời một cách lặng lẽ, mà chính dân nam bộ xem ông là ông Phật. Ông sống ở cuộc đời chỉ có 50 tuổi, nhưng ông đã để lại một di sản vô giá là Tín ngưỡng đạo giáo Nam bộ cho đến bây giờ.

Phật Thầy cũng là bậc tiền nhân mở cõi (khai khẩn lập làng vùng Thất Sơn), không câu nệ hình thức, sống đời đơn giản. Hòa hợp với thiên nhiên và bảo vệ thiên nhiên môi trường. "Cát bụi trở về cát bụi" là di huấn sau cùng của Thầy dù đơn giản, nhưng thấm đượm tinh thần "sắc tức thị không" của Phật giáo. Thầy dùng niềm tin khuyến dạy nhân dân, nhưng luôn có lý trí phân biệt và giữ thiện tâm với cuộc đời.

> Ngày nay, chúng ta sống thời hiện đại, chữ nghĩa nhiều hơn, bằng cấp cao hơn...tuy vậy, về niềm tin và tín ngưỡng đa số chúng ta mù quáng hơn. Chúng ta thích đến Bà Chúa Xứ để cầu khẩn xin cho... mà ít hiểu rõ "nhân quả nghiệp báo" nên đôi khi chúng ta biến hình thức khấn cúng thành lễ lộc cầu xin (hối lộ thần thánh). Chúng ta biến Tín ngưỡng tôn giáo thành những danh hiệu kiểu "di sản", "kỷ lục", rồi đắm chìm trong những kỷ lục ảo để khai thác kinh doanh. Chúng ta quên rằng giá trị tâm linh Tín ngưỡng "phi vật thể", ở chổ tinh thần (trong sạch, thiện tâm) không phải vật chất (Chùa to, Phật lớn). Người cầu khẩn nếu chỉ vì tham cầu cho mình thì "Thánh Mẫu" sao phù hộ cho lòng tham ít kỷ được. Chùa to, Miếu lớn, mà không vì phục vụ lợi ích cộng đồng (vị nhân sinh) mà phục vụ cho "lợi ích nhóm" là điều lệch lạc.

Vì vậy, nếu như trăm năm trước Thầy Đoàn Minh Huyên rời núi về Chùa, ông còn dặn đệ tử không phá rừng trên núi Cấm, không xây mộ ở núi Sam. Ngày nay chúng ta thích quy hoạch Núi Sam thành khu tâm linh tầm cỡ kỷ lục, nào cáp treo vượt núi, nào đục núi làm tượng Phật kỷ lục thế giới... tất cả nếu thực hiện với thiện tâm (công đức cho đời) thì mới thật sự là công đức. Nếu đây là công trình đầu tư xây dựng với mục đích kinh doanh dịch vụ tâm linh, thì chúng ta đang làm ảnh hưởng đến môi trường mà không phát huy được giá trị tinh thần của tiền nhân vậy!

Quyen Vu

Đăng nhận xét